Một số vấn đề về sáp nhập, mua lại (M&A) doanh nghiệp
1. Những vấn đề chung về M&A
Nhằm đạt được lợi thế quy mô hiện nay một số doanh nghiệp tiến hành mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần của một doanh nghiệp khác xem đó như một chi nhánh của mình. Điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng thị phần của doanh nghiệp. Tên thương hiệu của doanh nghiệp bị mua lại có thể được giữ nguyên hay bị thay đổi tùy theo quyết định của doanh nghiệp mua lại.
Trong hoạt động thu mua công ty khác có thể được chi trả bằng tiền mặt, cổ phiếu hay kết hợp cả hai loại trên. Một hình thức khác phổ biến trong những thương vụ mua bán nhỏ hơn là mua tất cả tài sản của công ty bị mua.
Ví dụ như công ty X mua tất cả tài sản của công ty Y bằng tiền mặt, đồng nghĩa với việc công ty Y chỉ còn lại tiền mặt và nợ (nếu như có nợ trước đó). Công ty Y cuối cùng sẽ thanh lý hoặc sẽ phải chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác.
Một loại hình mua lại khác là sáp nhập ngược, diễn ra khi một công ty tư nhân mua lại một doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn trong một thời gian tương đối ngắn. Công ty tư nhân sẽ sử dụng hình thức này khi công ty đó có triển vọng lớn và muốn tăng vốn. Sau khi thương vụ diễn ra, công ty tư nhân biến mình và được phát hành cổ phiếu.
Theo Điều 153 Luật Doanh nghiệp: “Một hoặc một số công ty cùng loại có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”.
Như vậy, sáp nhập là hoạt động xảy ra khi các doanh nghiệp, thường là các doanh nghiệp trong cùng một ngành, đồng ý hợp lại thành một doanh nghiệp mới có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh cao hơn. Kết quả của việc sáp nhập là cho ra đời một công ty mới, khác biệt với công ty trước khi hợp nhất. Công ty mới này có thể sử dụng một tên hoàn toàn khác so với các công ty sáp nhập hoặc tên của công ty mới là sự kết hợp tên của các công ty sáp nhập. Cho dù có thay đổi hoặc không thay đổi tên doanh nghiệp sau khi sáp nhập, nhưng thương hiệu của doanh nghiệp cũ vẫn được duy trì và phát triển về sau.
2. Một số hình thức sáp nhập của doanh nghiệp
Dựa vào cấu trúc của doanh nghiệp, có khá nhiều hình thức sáp nhập khác nhau. Dưới đây là một số hình thức sáp nhập được phân biệt dựa vào mối quan hệ giữa hai công ty tiến hành sáp nhập:
Sáp nhập cùng ngành (hay còn gọi là sáp nhập chiều ngang): Diễn ra đối với hai công ty cùng cạnh tranh trực tiếp và chia sẻ cùng dòng sản phẩm và thị trường.
Sáp nhập dọc: Diễn ra đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng như giữa một công ty với khách hàng hoặc nhà cung cấp của công ty đó.
Sáp nhập mở rộng thị trường: Diễn ra đối với hai công ty bán cùng loại sản phẩm, nhưng ở những thị trường khác nhau.
Sáp nhập mở rộng sản phẩm: Diễn ra đối với hai công ty bán những sản phẩm khác nhau, nhưng có liên quan với nhau trong cùng một thị trường.
Sáp nhập kiểu tập đoàn: Diễn ra khi hai công ty không có cùng lĩnh vực kinh doanh, nhưng muốn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh đa ngành đa nghề.
Dựa trên cách thức cơ cấu tài chính, có hai hình thức sáp nhập là:
Sáp nhập mua: Loại hình này xảy ra khi một công ty mua lại một công ty khác. Việc mua công ty được tiến hành bằng tiền mặt hoặc thông qua một số công cụ tài chính.
Sáp nhập hợp nhất: Cả hai công ty được hợp nhất dưới một pháp nhân mới và một thương hiệu công ty mới được hình thành. Tài chính của hai công ty sẽ được hợp nhất trong công ty mới.
3. Thủ tục hợp nhất công ty
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:
Bước 1: Công ty bị hợp nhất chuẩn bị hợp đồng hợp nhất, dự thảo Điều lệ công ty hợp nhất.
Hợp đồng hợp nhất phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị hợp nhất; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty hợp nhất; thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị hợp nhất thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty hợp nhất; thời hạn thực hiện hợp nhất.
Bước 2: Bổ nhiệm các chức vụ cấp cao
Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty bị hợp nhất thông qua hợp đồng hợp nhất, Điều lệ công ty hợp nhất, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp nhất.
Hợp đồng hợp nhất phải được gửi đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.
Bước 3: Tiến hành đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp nhất theo quy định của pháp luật
4. Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020:
Bước 1: Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập
Hợp đồng sáp nhập phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;
Bước 2: Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập.
Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua;
Bước 3: Thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhận theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
5. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hậu thương vụ M&A
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được thành lập trên cơ sở hợp nhất công ty được quy định tại theo Điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;
- Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Hợp đồng hợp nhất;
- Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng hợp nhất công ty của các công ty bị hợp nhất và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Đối với sáp nhập doanh nghiệp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập phải có các giấy tờ tương ứng quy định tại Chương VI và Khoản 2 Điều 61 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, gồm:
- Hợp đồng sáp nhập;
- Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;
- Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên sở hữu trên 65% vốn điều lệ của công ty bị sáp nhập;
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của các công ty bị hợp nhất.