Công ty muốn hợp tác kinh doanh với siêu thị để mở quầy bán thực phẩm, đồ uống trong siêu thị phải xin những Giấy phép nào?
Căn cứ Điều 21 Luật đầu tư 2020 quy định về hình thức đầu tư như sau:
Hình thức đầu tư
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
3. Thực hiện dự án đầu tư.
4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định thì hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Theo đó, nếu hai bên muốn hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận mà không cần thành lập doanh nghiệp thì có thể lựa chọn hình thức kí kết hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hai bên có thể thỏa thuận cử một bên đại diện xuất hóa đơn theo hướng dẫn tại điểm n khoản 3 Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC.
Theo Điều 27 Luật Đầu tư 2020 quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC như sau:
Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.
...
Theo đó, nếu hợp đồng BCC được kí kết giữa các nhà đầu tư trong nước thì không cần phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nếu kí kết với nhà đầu tư nước ngoài (thuộc trường hợp tại khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư 2020) thì cần xin giấy chứng nhận đầu tư theo thủ tục tại Điều 38 Luật Đầu tư 2020.